Tại sao nhân viên giỏi nghỉ việc?

Để trở thành 1 công ty lớn mạnh, trước tiên bạn phải chinh phục được nhân viên giỏi. Đánh mất những nhân viên giỏi là một điều vô cùng tệ hại. Vì bạn sẽ phải tốn chi phí tuyển dụng và đào tạo cho người mới mà không chắc chắn về việc người mới sẽ làm việc như thế nào. Các nhân viên của bạn cũng sẽ phải đối mặt với khoảng thời gian khó khăn cho đến khi bạn tìm được người thay thế.
Đôi khi, nhân viên của bạn sẽ nghỉ việc vì những lí do khách quan như: không phù hợp với nhóm, chuyển đổi nơi sống vì lý do cá nhân, hoặc họ có được cơ hội phát triển tốt hơn ở nơi khác. Nếu gặp phải những lí do này thì quyết định nghỉ việc của họ có lẽ là đúng đắn, dù cho họ có thể sẽ gặp khó khăn trong khi chuyển đổi công việc.
Nhưng, liệu còn có lý do nào khác khiến nhân viên của bạn từ bỏ công việc?
Hãy giữ chân những nhân viên giỏi của mình bắt đầu từ việc tìm hiểu nguyên nhân tại sao họ muốn rời đi. Dưới đây là 7 nguyên nhân phổ biến nhất:
1. Sự trì trệ
Mọi người không muốn nghĩ rằng mình đang bị giam giữ trong một lối sống mòn quen thuộc, mỗi ngày đều đến cùng một nơi, làm những công việc giống nhau trong vòng 20 hay 40 năm nữa. Họ muốn thấy rằng mình đang tiến bộ, phát triển trong công việc của bản thân. Họ mong muốn có một mục tiêu nào đó để khát khao đạt được. Do đó, nếu công ty hiện tại không có cơ cấu phát triển, thăng tiến theo cấp bậc thì họ biết rằng mình sẽ phải tìm kiếm điều đó ở 1 công ty khác. Và trong thời gian ở lại công ty, họ sẽ cảm thấy buồn chán, không hạnh phúc, bất mãn… những điều này làm ảnh hưởng đến hiệu suất và tinh thần làm việc của cả nhóm.
2. Làm việc quá sức
Mọi công việc đều có những giai đoạn căng thẳng và áp lực, nhưng không gì khiến nhân viên nhanh chóng kiệt sức như làm việc quá tải. Thông thường thì chỉ những nhân viên giỏi– những người có khả năng và trách nhiệm cao nhất, đươc bạn tin tưởng nhất– bị bạn giao quá nhiều việc. Nếu càng ngày họ càng bị giao nhiều công việc, trong khi họ không nhận lại được bất kỳ sự tán thưởng hay thăng tiến nào, họ tất nhiên sẽ cảm thấy như mình đang bị lợi dụng. Và khi đó, bạn không thể trách nhân viên của mình nếu họ rời bỏ công ty.
3. Tầm nhìn mơ hồ
Không có gì khiến các nhân viên khó chịu hơn là phải làm việc ở một công ty có tầm nhìn và viễn cảnh to lớn trong khi lại không hề có một mục tiêu chiến lược cụ thể nào để đưa họ đạt được điều đó. Vì nếu không được cụ thể hóa, thì tất cả chỉ là lời nói suông. Và không một nhân viên giỏi nào lại muốn dành trọn thời gian, năng lượng của mình để cố gắng vì một điều gì đó không xác định. Mọi người muốn biết rằng họ đang làm việc để tạo ra, hướng đến điều gì đó, chứ không phải cứ cố gắng một cách vô định.
4. Đề cao lợi nhuận hơn nhân lực
Khi một công ty đề cao lợi nhuận hơn là nhân viên của mình thì những nhân viên tốt nhất sẽ tìm đến các công ty khác để có cơ hội tốt hơn, để lại những nhân viên tầm thường và thờ ơ. Điều này tạo nên một môi trường kém hiệu quả, tinh thần làm việc thấp hay thậm chí là thiếu kỉ luật bao trùm khắp công ty. Tất nhiên, các yếu tố như lợi nhuận, đầu ra, năng suất hay việc làm hài lòng các cổ đông là hết sức quan trọng nhưng để thành công thì điều cuối cùng mà các công ty cần vẫn chính là có được một nguồn nhân lực giỏi.
5. Thiếu sự công nhận
Ngay cả những người cao thượng nhất cũng luôn muốn được công nhận và khen thưởng khi họ đã hoàn thành tốt công việc. Đó là bản năng của con người. Khi bạn không công nhận thành tích của nhân viên, bạn không chỉ đang bỏ lỡ cơ hội khuyến khích họ làm việc chăm chỉ hơn mà còn bỏ lỡ cách đơn giản nhất để tăng hiệu suất công việc cho công ty mình. Nếu bạn không có ngân sách cho việc tăng lương, hay thưởng thì cũng không sao. Có nhiều cách để bạn thể hiện sự công nhận đối với nhân viên của mình mà chi phí không hề cao, thậm chí là hoàn toàn miễn phí, chẳng hạn như một vài dòng thư để thể hiện sự cảm kích chân thành của bạn với những đóng góp của nhân viên mình. Hãy nhớ rằng nhân viên sẽ thờ ơ với mọi thứ nếu họ không cảm thấy mình được coi trọng.
6. Thiếu sự tin tưởng
Các nhân viên thường nhìn vào hành động của bạn để đánh giá mức độ thực hiện những cam kết của bạn đối với họ. Nếu họ thấy bạn có hành động không chính trực đối với nhà cung cấp, lừa dối cổ đông, lừa dối khách hàng, hoặc không giữ lời hứa, những người giỏi và có đạo đức sẽ bỏ đi. Và cuối cùng chỉ còn lại những nhân viên kém cỏi ở lại dưới sự lãnh đạo của bạn.
7. Cơ cấu phân quyền quá mức
Mọi công ty đều cần có cơ cấu lãnh đạo, nhưng một cơ cấu cứng nhắc từ trên xuống dưới sẽ làm nản lòng bất kỳ nhân viên nào. Nếu nhân viên nhận thấy rằng, họ chỉ có thể làm theo ý kiến cấp trên mà không được quyền đóng góp ý kiến, không được quyền quyết định, và luôn phải trì hoãn mọi việc chỉ vì chức danh của mình chứ không phải vì họ thiếu chuyên môn, thì tất nhiên họ sẽ cảm thấy không hài lòng.
Tóm lại, nhiều người rời bỏ công việc của mình không phải là do bản chất công việc hay công ty mà là do chính người sếp của họ. Hãy tự hỏi bản thân rằng bạn đã và đang làm gì khiến các nhân viên giỏi nhất rời xa mình? Đồng thời, hãy bắt đầu những thay đổi cần thiết để giữ họ lại.
Nếu bạn đang gặp vấn đề về tuyển dụng hay nhân sự, hãy liên hệ với ActionCOACH Hanoi West, gặp những nhà huấn luyện của ActionCOACH Hanoi West trong chương trình chia sẻ không thu phí: 6 bước xây dựng doanh nghiệp hiệu quả để đạt được mục tiêu một cách nhanh nhất. Hi vọng bài viết đã đem lại nhiều thông tin hữu ích cho bạn. Hẹn gặp lại tại sự kiện!